Hậu quả Sự_kiện_Tĩnh_Khang

Tháng 3 âm lịch, người Kim sau khi lập Trương Bang Xương thì chuẩn bị đưa tông thất triều Tống lên bắc. Đầu tháng 4, Oát Li Bất chia 2 vua Huy, Khâm làm hai đoàn áp giải về Kim. Trương Bang Xương mặc áo bào xám, đội mũ đỏ đến đưa miễn. Oát Li Bất đưa thượng hoàng, thái hậu và thân vương cùng mẹ đẻ của Khang vương Cấu là Vi Hiền phi khởi hành từ Hoạt châu. Niêm Một Hát đưa Khâm Tông, Chu hậu, thái tử cùng Hà Trạc, Tôn Phó, Trương Thúc Dạ, Trần Quá Đình, Tần Cối đi từ Trịnh châu. Tháng 7 năm đó, hai vua Tống bị giam giữ ở Yên Kinh.

Ngày 21 tháng 8 năm 1128, họ bị giải tới kinh đô nước Kim và bị ép mặc trang phục của người Kim (áo da cừu) đến lạy ở miếu Kim Thái Tổ A Cốt Đả rồi lên điện Càn Nguyên yết kiến vua Kim. Kim Thái Tông hạ chiếu, phong Triệu Cát làm Hôn Đức công, Triệu Hoàn làm Trọng Hôn hầu, 2 danh hiệu mang ý sỉ nhục. Nhân Hoài hoàng hậu Chu thị (仁懷皇后 朱氏), vợ của Tống Khâm Tông cũng phải đi cùng, sau đó quân Kim lại ra lệnh cho bà phải đi tắm. Nhục nhã và uất hận, Chu hoàng hậu đã nhảy xuống nước mà tự vẫn. Các cung nữ Vệ Miêu Nhi (宮女衛貓兒), Tào Diệu Uyển (曹妙婉), Bặc Nhữ Mạnh (卜女孟), Tịch Tấn Sĩ (席進士), Trình Xảo (程巧), Dũ Ngoạn Nguyệt (俞玩月), Hoàng Cẩn (黄勤) cũng tự sát cùng với bà. Chu hoàng hậu được Kim Thế Tông khen ngợi là "hoài thanh lý khiết, đắc nhất dĩ trinh, chúng tuý độc tinh, bất khuất kỳ tiết", tức là biết giữ tiết trinh, bất khuất trước giặc, ban thụy là "Tĩnh Khang quận Trinh Tiết phu nhân" (靖康郡贞节夫人). Thụy này còn ngầm mang ý sỉ nhục rằng 2 vua Tống còn không có khí phách bằng 1 người phụ nữ.

Tháng 10 năm đó, 2 vua Tống bị dời tới Hàn châu[2]. Tháng 7 ÂL năm 1130, bị dời sang thành Ngũ Quốc[3], lúc này chỉ còn khoảng 140 người tùy tùng được đi theo.

Để tăng thêm sự sỉ nhục, khoảng 300 thê thiếp hoặc công chúa, quận chúa nhà Tống bị nhà Kim bắt đến Tẩy Y viện (洗衣院) làm tạp dịch, nhiều người trong số đó còn bị bắt làm kỹ nữ phục vụ cho quý tộc, tướng lĩnh nhà Kim hoặc bị quý tộc nhà Kim nạp làm thê thiếp, thậm chí bị đem ban thưởng như chiến lợi phẩm (Tháng giêng năm Thiên Hội thứ 6 (1128), khi sứ giả Nam Tống là Vương Luân đến Vân Trung, tể tướng Kim là Hoàn Nhan Tông Hàn đem 1 người đàn bà và 1 người con gái trong tông thất nhà Tống tặng cho ông ta; lại đem 1 người con gái tông thất tặng cho sứ giả đi theo là Chu Tích. Vì Chu Tích không nhận nên bị xử tử).

Sự biến Tĩnh Khang là mối hận to lớn chưa từng thấy đối triều đình và thần dân nhà Tống, và cũng là nỗi nhục hiếm thấy đối với 1 triều đại trong lịch sử Trung Quốc.

Tể tướng Trương Tuấn gửi thư cho các con trai, viết: "Ta là tướng quốc, không thể khôi phục Trung Nguyên, rửa mối nhục của tổ tông, chết rồi, đừng táng bên trái mộ của tiền nhân, mà táng dưới Hành Sơn là được rồi!". Nhà thơ yêu nước Lục Du qua đời "mang theo mối hận không được nhìn thấy đất nước được thu hồi", ông viết bản di chúc bằng thơ cuối cùng như sau:

Chết rồi muôn sự là không,Buồn vì một nỗi non sông chưa liền.Ngày nào lấy lại Trung nguyên,Con ơi! Nhớ khấn gia tiên biết cùng.

Bắc Tống từ đây diệt vong. Một số cựu thần Bắc Tống chạy xuống phía nam, lập Triệu Cấu lên ngôi, hiệu là Cao Tông, sử gọi đó là nhà Nam Tống. Người Kim thu được phía bắc Trung Nguyên, song người Hán thù ghét người Nữ Chân, tổ chức dân quân đánh phá quân Kim. Các tướng Tống lưu vong thì tổ chức các nhóm vũ trang, liên tục công kích hay phá trại quân Kim. Thậm chí người Khiết Đan cũng nổi dậy khiến quân Kim bị phân tâm.

Năm 1135, đại tướng quân Lý Cương lại dâng lên Tống Cao Tông một bản tấu dài, trong đó nhắc nhở vua về nỗi nhục mất nước "chớ lấy địch lui mà làm vui, phải lấy mối thù chưa báo được mà căm giận. Chớ lấy đông nam mà an tâm, phải lấy Trung Nguyên chưa giành lại, Xích Huyện Thần Châu[4] mất cho nước địch mà hổ thẹn; chớ lấy chư tướng nhiều lần báo tiệp mà lơi tay, phải lấy quân – chánh chưa sửa sang, sĩ khí chưa chấn hưng trong khi cường địch vẫn còn đấy mà lo lắng".

Trong chiếu phạt Kim vào năm 1206, Trực học sĩ Lý Bích viết:

Đạo trời vốn sẵn đẹp, Trung Quốc tất phải giữ cái đạo lý của mình, lại được lòng người quy thuận, quyết báo cựu thù. Bọn Rợ ngu xuẩn kia dựa vào minh ước mà sinh sát trăm họ, tham lam vơ vét... Chúng đã đưa quân cướp sạch, đốt sạch khác nào bầy dã thú. Nay kẻ có tội phải bị trừng phạt; ta sẽ xuất binh với khí thế hùng mạnh để giành lại giang sơn cho trăm họ. Xa gần được tin thảy đều xúc động. Quân dân phải nhớ đến nỗi nhục của tổ tông (chỉ Sự biến Tĩnh Khang), gắng sức lập công, không được bỏ lỡ cơ hội này.

Chiến tranh Nam Tống và Kim bắt đầu từ sau Tĩnh Khang chi biến. Hai bên đã giao tranh trong 3 cuộc chiến lớn trong 100 năm, xen giữa là mấy chục năm hòa hoãn. Sau này, năm 1234, nhà Tống liên minh với Mông Cổ tiêu diệt nhà Kim. Tướng Tống là Mạnh Củng kế thừa sự nghiệp bảo vệ đất nước của cha ông, đã hoàn thành chí lớn diệt Kim suốt 100 năm của quân dân nhà Tống, báo thù mối hận Tĩnh Khang. Thi hài vua Kim bị đưa về tế cáo tại thái miếu nhà Nam Tống ở Lâm An phủ, sau đó Tống Lý Tông ra lệnh giam giữ trong kho ngục Đại lý tự để tượng trưng cho mối hận Tĩnh Khang của tổ tiên triều Tống đã được rửa.

Liên quan